Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Kỳ diệu: Từ 1 gái gọi trở thành giảng viên

Nhìn chị xinh đẹp, tươi tắn và thành đạt, chẳng ai nghĩ cuộc đời chị lại chìm nổi nhiều đến thế! Từng bị bán vào nhà thổ, bán trao tay đại gia, làm “gái tay vịn” ở các quán Karaoke …


Với nghị lực của mình, cô đã trở thành 1 giảng viên đại học
“Câu chuyện này được kể khi nhân vật đã rũ bỏ được bóng tối đời mình và đang là một giảng viên ở một trường đại học lớn ở Hà Nội. Tôn trọng nỗ lực hoàn lương của chị, chúng tôi xin kể lại câu chuyện này dưới một cái tên khác nhằm giúp những ai chưa tin vào sự hồi sinh kỳ diệu của con người thì một lần nữa hãy cúi đầu thán phục và hãy tin”.

Chị là Hoàng Hà, sinh năm 1983, hiện là giảng viên trong một trường đại học. Nhìn chị xinh đẹp, tươi tắn và thành đạt, chẳng ai nghĩ cuộc đời chị lại chìm nổi nhiều đến thế! Từng bị bán vào nhà thổ, bán trao tay đại gia, làm “gái tay vịn” ở các quán Karaoke … Rồi nhờ sức phấn đấu phi thường và sự bao dung của người chồng hiện tại, chị trở thành giảng viên đại học.

Nhìn lại cuộc sống đã qua, chị Hà viết vài dòng tâm sự về cuộc đời mình, gọi thành tên: “Phận gái gọi trở thành giảng viên đại học” rồi gửi đến một cuộc thi trên báo rồi được đăng. Sau đó trên một diễn đàn người ta có đăng ý kiến của chị, những người đàn bà khác xô vào sỉ vả. Họ cho rằng đó là chuyện sáng tác, chuyện nói láo ăn tiền, chuyện để cười hỉ hả. Tôi quyết định gặp trực tiếp chị, trò chuyện để xem người từng là gái gọi trở thành giảng viên đại học kia bộc bạch thế nào. Và nó mở cho tôi niềm tin, tôi nhìn sự sỉ vả kia một cách đau nhói, sao con người lại ít tin vào sự nghị lực, sự hi sinh, tình yêu, trong khi nó vẫn hiển hiện trên đời?

Từ biến cố kinh khủng của gia đình

16 tuổi, gia đình chị có những biến cố kinh khủng. Chị nhớ lại: “Lúc đó mẹ bệnh tim yếu nhợt chì nằm một chỗ. Bố bệnh gan nặng, vàng vọt, xanh xao, vào những đợt lạnh còn bị những cơn sốt rét làm run bần bật…”.

Trong nhà chị có hai chị em đang tuổi học. Hai em học cực giỏi, chị không muốn ai trong số họ phải bỏ học, thế nên khi đang học lớp 12, chị quyết định nghỉ học đi làm.

17 tuổi, chị chưa đi xa hơn lũy tre làng mà phải tự thân làm việc, kiếm tiền. Chị nói như biết mình ngây ngô: “Tôi làm việc trong một quán quần áo ở huyện.Có một người bạn hàng xóm thấy vậy mới rủ tôi đi làm xa, họ nói là lên Lạng Sơn bán quần áo được nhiều tiền. Tôi không cầm được lòng tham nên quyết định đi theo. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, tôi biết mình phải sang một mảnh đất khác, sống ở một đất nước khác”. Chị Hà bảo rằng nơi đó phồn hoa nhưng cũng nhộn nhạo, chị nhớ cha mẹ, nhớ nhà khóc đến cạn nước mắt.

Tuần đầu vào nhà thổ, chị cắm cúi làm việc. Người ta chỉ chờ cho một người đàn ông giàu có đến phá đi sự trinh tiết ở chị rồi bắt chị làm gái… “Thế nhưng “may mắn”, chưa phải chịu quá nhiều hành hạ thì tôi được một người đàn ông giàu có chuộc ra. Anh ấy yêu tôi thực sự. Tôi là riêng của anh ấy, được mua điện thoại đẹp, quần áo đẹp, được tự do đi lại…” Trong phút chốc, chị bảo rằng điều đó không không để chị hưởng thụ, mà là cái cho chị cảm giác bớt đau đớn. Chị vẫn nhớ nhà, chị khóc sưng mắt.

Chị hồi tưởng: “Hồi học phổ thông tôi học tiếng Anh giỏi lắm! Chẳng ngờ khi bị bán sang Trung Quốc lại cần dùng. Tôi nói được tiếng Anh, về cuộc sống ở Việt Nam”… Anh ấy thông cảm nhiều, thế nhưng cũng không đủ rộng lượng đưa chị trở về. Phần chị tuy cố gắng nhưng vì không có tiền, không có giấy tờ tùy thân nên đàng chịu.

Trong chuỗi ngày dài đằng đẵng, nhìn những con người nói tiếng khác, sống trong một thế giới xa hoa, chị Hà thấy mình cần phải tìm cách trở về. Rồi bất ngờ chị gặp một người đàn ông làm ở ngành ngoại giao, chị năn nỉ rồi cầu xin được trở về để chăm cha mẹ, kiếm tiền nuôi hai em ăn học. Mủi lòng, người đàn ông đó dẫn chị qua biên giới, cho chị 50 nghìn để về Hà Nội… “Khi về Việt Nam tôi không dám trở về. Tiếng tăm ở quê lớn quá nên tôi đành ra Hà Nội. Bán chiếc điện thoại được anh người Trung Quốc cho, tôi quyết định làm vốn học lại”.

“Tiếp viên thi đại học được 27,5 điểm… Anh nể nghị lực của em”

Những ngày xuống Hà Nội là những ngày khó khăn kinh khủng của chị. Chị có ghé đến trung tâm giáo dục thường xuyên quận Hoàn Kiếm dò la và làm hồ sơ để học lại. Chị vẫn nhớ khi ấy mua một chiếc xe đạp cọc cạch, dựa vào tường bị bảo vệ nhắc, sau đó gặp phòng đào tạo thấy chị bối rối những vì ham học hỏi người ta đã nhận chị vào thật.

“Tôi kiếm tiền bằng mọi cách kể cả làm gái. Tôi không có thời gian để nghĩ đến bản thân mình. Lúc nào cũng chỉ nghĩ kiếm thật nhiều tiền để gửi về cho mẹ, cho 2 em ăn học, trang trải tiền học cho mình”. Chị bảo chị bị ám ảnh bởi cảm giác thèm học, sau những đêm kiếm tiền chị lao vào học. Học điên đến mức chỉ học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên mà được 27,5 điểm, là á khoa năm đó của một trường đại học lớn ở thủ đô. Chị vẫn nhớ về quá khứ buồn tủi và sự cố gắng không mệt của bản thân rồi lẩm bẩm nói với chúng tôi đầy tự hào “từng làm gái” đỗ đại học với 27,5 điểm”.

Khi vào học đại học, sau những buổi lên giảng đường, chị vẫn phải kiếm tiền bằng việc làm tiếp viên nhà hàng, công việc mà nhiều người đàn bà phát điên khi nhắc đến: Quyến rũ chồng họ…Hơn 1 năm sau chị vẫn làm tiếp viên, hết quán ở trên đường Bưởi đến quán ở Giảng Võ, chị bảo rằng mình đã dấn thân thì chẳng còn con đường nào khác. “Các em còn đó, tôi sợ những cơn đau của bố mẹ kéo về mà không có tiền để đưa họ đi viện….” có điều gì xa xót sau mỗi câu nói của chị. Có một thời điểm nào đó tôi thấy chị cô đơn kinh khủng, rồi sau đó ánh mắt của chị tràn trề hi vọng. Có điều tôi thấy chị nhìn những quán Karaoke đèn mờ, những hàng quán mà mình đã đi qua để kiếm tiền nuôi thân, cho gia đình một cách bình thản. Chị không oán trách cũng như không trối bỏ quá khứ ấy.

Khoảng năm thứ 2 đại học chị gặp anh. Anh Thành lúc nào đã 48 tuổi, là cán bộ công chức Hà Nội, từng làm giám đốc những nhà máy lớn và trọng điểm tại thủ đô. Thấy chị có đôi mắt hấp háy vì cận, kiểu nói kiên nghị, anh biết chị là sinh viên của một trường đại học. “Tôi nhớ lúc đó anh đưa danh thiếp của mình cho tôi như nhiều người đàn ông khác và dặn dò, tuần sau gọi điện cho anh”. Bẵng đi, chị không gọi vì chị nghĩ chẳng cần. Anh lại đến, lại dặn dò gọi điện … Chị lảng đi phần vì băn khoăn tuổi tác, vì nghĩ chẳng ai giúp mình điều gì cả.

Phía anh Thành âm thầm tìm hiểu về chị. Qua hiệu trưởng trường chị học, anh biết chị có thành tích học tập đáng nể. Anh nói với chị, một tiếp viên quán Karaoke khi ấy: “Anh nể nghị lực của em. Cứ nhận tiền anh giúp, sau này khi em thành công thì báo đáp anh” hay “Cứ coi như anh là nhà tài trợ cho một sinh viên giỏi”. Chị bảo rằng lúc đó cũng không để ý lắm, chị trơ lỳ vì cái nghề của chị đã vậy, cuộc sống của chị đã vậy.

“Tôi nói với anh mình ở trọ tại phố Dịch Vọng, anh ấy đã đi tìm. Anh ấy nhìn thấy tôi thì hớn hở, còn riêng tôi chỉ buông một câu cục cằn như chẳng tin vào lòng tốt vô tư nào. Thế nhưng anh ấy vẫn đeo đuổi chỉ để nói nể tôi, muốn giúp tôi. Bẵng đi một tháng, anh về làm thủ tục ly dị vợ. Anh tâm sự rằng, vợ anh cục cằn, vợ anh có lỗi không thể tha thứ và nhất quyết anh phải đến với tôi…”. Từ thảng thốt đến phải chấp nhận sự thật, lúc này chị không cần tình yêu, sự vị tha trong trái tim anh nữa. Họ yêu nhau giản dị như cuộc sống phải tiếp diễn…Chị chấm dứt những ngày làm gái, có “đại gia” là anh và học tập với kết quả phi thường.

“Ra trường tôi được 9,03 điểm cộng với vài huy chương Olympic đạt được trong quá trình học tập. Nhà trường xem xét và được giữ lại làm giảng viên”, chị nói về số điểm của mình trong con mắt bình thản. Điểm số ấy là sự cố gắng của chị và sự bao dung giúp đỡ của anh.

Hạnh phúc bao dung… hạnh phúc dịu dàng

Năm 2004 chị Hà ra trường. Một đám cưới nhỏ trong một khách sạn lớn để công bố với mọi người rằng chị lấy anh, rằng một cô gái xinh đẹp trẻ trung và học cực giỏi lấy một người đàn ông hơn mình 28 tuổi, người đến xem, người thì mừng, còn anh chị thì rớt nước mắt vì hạnh phúc. Chị tâm sự: Khi là sinh viên chị đạt được một học bổng đi Đức học về chuyên ngành của mình, thế những nghĩ rất lâu chị đã quyết định không đi bởi chị còn anh, còn muốn lập gia đình với anh. Cuộc đời cho chị những may mắn và cả những lựa chọn. Nhưng chị chọn anh và chị không thấy ân hận.

Bao nhiêu năm sống cùng anh, cãi cọ dùng đến những từ anh xưng tôi, em xưng tôi thì có nhưng anh chị không nặng nề hơn với nhau. “Anh biết hết quá khứ của tôi nhưng chưa bao giờ dằn vặt. Chưa bao giờ trong lời nói anh thốt lên rằng con nọ, con kia”, chị bảo rằng mình biết ơn vì sự bao dung lớn lao đó…

Nếu ai đó đã từng làm gái trao tay, làm tiếp viên… khi có sự nghiệp vững chãi hẳn sẽ muốn chôn cho sâu, nén cho chặt cái kí ức buồn đau và tăm tối ấy. Thế nhưng với chị thì không, chị dũng cảm kể lại như là cái cách để thanh minh với cuộc đời rằng, hãy tin đi, cuộc đời có nhiều điều kì diệu lắm.

Bây giờ phải trải qua hầu hết những chuyện dằn vặt trên đời, chị bảo rằng hạnh phúc rất kì diệu và hãy tin như vậy. Khi những dòng chia sẻ suy nghĩ của mình trong bài viết “phận gái gọi trở thành giảng viên đại học” được đăng trên một trang báo mạng thì có vô vàn những người chửi bới, trách móc tục tĩu. Tôi thấy bất bình khi thấy số phận thật như chị, thế nhưng khi hỏi cảm giác của chị, tôi thấy chị lặng đi và bình thản lạ lùng. Ánh mắt ấy ánh lên một chút kiên nghị…

Chị có một bàn tay nhỏ bé, những ngón tay thon dài dịu dàng để để đan áo ấm, nấu những bữa cơm cho gia đình thân yêu. Chiều muộn hôm ấy, khi chị nhấc điện thoại lên gọi chồng: “Anh à, hôm nay anh về muộn không? Về ăn cơm vợ phần nhé…” Anh ở ngoài đường nên nói lớn trong điện thoại, chị phụng phịu: “Anh giận à, có gì giận vợ thế? Hôm nay nhớ về ăn cơm vợ nấu, món gì cũng có cả”. Tôi quan sát và thấy rằng, khi cuộc đời trải qua những sóng gió, người đàn bà sẽ biết mang một chút dịu dàng, có một chút khéo léo về mái ấm thân yêu của mình và chỉ cần vậy là đã có một gia đình hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét