Một cặp vợ chồng kiêm... chú cháu |
"Vợ chồng - chú cháu"...
"Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên vách đá. Ta yêu em, ta chả có bụng về. Em ơi, hoa dín nở trên núi cao. Ta yêu em, ta chẳng có lòng xa"... Trước khi về sống chung với Vàng Thị N., chàng thanh niên Vàng A.T. (ngụ thôn Phiêng My) đã có nhiều đêm vác khèn đến trước nhà "người yêu" kiêm... cháu gái của mình tán tỉnh như thế. Hai người yêu nhau say đắm và được... cả hai bên gia đình chấp thuận. Thế nhưng theo quy định của pháp luật thì người trong cùng huyết thống không được phép lấy nhau nên chính quyền địa phương đương nhiên không cho phép tổ chức kết hôn. Suốt 5 năm yêu nhau, hàng chục lần cán bộ địa phương đã đến giải thích, thuyết phục... Cả 4 lần hai bên lén lút tổ chức rước dâu thì 4 lần chính quyền phát hiện việc vi phạm và cử cán bộ đến đình chỉ việc làm bất hợp pháp. Thế nhưng bất chấp tất cả, 2 bên vẫn thậm thụt làm đám cưới nhanh gọn để "đôi trẻ" kiêm... chú cháu về ở với nhau, không cần đăng ký kết hôn.
Chị Chảo Thị Hoa, cán bộ tư pháp xã cho biết: Sau khi về ở với nhau, hiện N. đã mang thai được 5 tháng. Ai cũng nín thở đợi chờ xem số phận đứa con của họ là kết quả của cuộc tình chú - cháu sẽ như thế nào.
Nhà của cặp "vợ chồng" T. - N. là một căn nhà tường đất mái tranh mục nát, nằm xiêu vẹo bên sườn đồi. T. đang bổ củi trước nhà. Thấy chúng tôi đến, anh ta ngừng tay, vuốt mồ hôi: "Nhà tôi không có tiền đâu mà cán bộ đòi phạt. Chúng tôi thương nhau thật cái bụng, có làm gì sai đâu mà ngăn cản chứ?". "Sao chính quyền không cho phép cưới nhau, mà anh chị lại về ở với nhau để rồi có thai?", tôi hỏi. "Thì chúng tôi thương nhau, bố mẹ hai bên cũng đồng ý nên chúng tôi về ở với nhau thôi. Chính quyền bảo sai, chúng tôi biết vậy. Chính quyền đến phạt, nhưng gia đình tôi không có tiền. Không được ở với nhau chắc chúng tôi chết mất...", T. tỉnh bơ.
Rời nhà "vợ chồng- chú cháu" T. và N., chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng Vàng A.K. (1984) và Vàng Thị D. (1984), cũng là một trong những cặp "vợ chồng" có cuộc hôn nhân cận huyết thống: Là hai chị em con dì, con già (con bác). "Đôi trẻ" này đã sống với nhau được 3 năm nay, dù cho chính quyền địa phương nhiều lần ngăn cấm, cảnh báo.
Cán bộ tư pháp xã cho biết, ngoài những trường hợp trên, ở Bản Liền còn có rất nhiều những cặp "vợ chồng - anh em", "vợ chồng - chú cháu" khác như Vàng A.D. - Lâm Thị Y., Vàng A.D. - Vàng Thị T.... Đó chỉ là những đôi dám công khai sống chung, bởi theo ông Sùng Seo Sếnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Bản Liền thì: "Chưa có số liệu cụ thể về những trường hợp "hôn nhân cận huyết thống" cả!"
Hệ lụy từ hôn nhân cận huyết
Tất cả các nghiên cứu khoa học đều khẳng định: Những đứa trẻ sinh ra từ những cuộc hôn nhân cận huyết thống đều có nguy cơ mang các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh như bệnh tan máu bẩm sinh, biến dạng xương mặt, quái thai, còi cọc, chết non, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao...
Trường hợp của "vợ chồng" K. - N. có thể là một minh chứng cho những nghiên cứu trên: Sau 3 năm về chung sống với nhau, N. sinh 3 lần và cả ba lần sinh, những đứa trẻ điều yếu ớt, mềm oặt, sống được vài tháng là chết.... "Vợ em lại vừa sinh được một thằng con trai nhưng không biết nó có giống những đứa con trước không?", K. nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn trên tay vợ, nói giọng lo âu.
Tương tự, cặp "vợ chồng" Vàng A.D. - Lâm Thị Y. sinh 2 con thì cả hai cháu nhỏ này đều bị chết sau khi sinh khoảng 2 tháng.
Ấn tượng đầu tiên khi đến xã Bản Liền, ngoài những ngôi nhà gianh, vách đất, nằm xiêu vẹo trên sườn đồi là một số đứa trẻ nhỏ thó, dị dạng, ăn mặc thì rách rưới, bẩn thỉu... "Những đứa trẻ còi cọc, dị dạng, thấp bé kia hầu hết đều là "sản phẩm" của những cặp hôn nhân cận huyết thống đấy", ông Nông Ngọc Sáng, Phó Trưởng công an xã Bản Liền Thở dài.
Ông Sáng thở dài: "Không chỉ bị còi cọc, dị dạng, hoặc thai chết non. Những đứa trẻ của những cặp cưới nhau cận huyết thống đều không được làm giấy khai sinh vì bố mẹ chúng cưới "chui" nên không đi đăng ký khai sinh. Hơn nữa, theo quy định thì chúng tôi phải làm biên bản phạt, họ sợ nên không dám đến ủy ban. Vì vậy những đứa trẻ đó hầu hết không được đến trường...".
Quan niệm lạc hậu
Là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, Bản Liền có 360 hộ dân tập trung ở 5 thôn, bản. Một cán bộ xã giải thích, vấn nạn hôn nhân cận huyết thống sở dĩ còn đất sống ở địa phương này một phần xuất phát từ quan niệm lạc hậu của một số người dân: Khi phụ nữ xuất giá đi lấy chồng nghĩa là đã ra khỏi gia đình, không còn liên quan tới gia đình nữa. Nếu muốn níu giữ tình cảm với gia đình thì phải xe duyên giữa những người trong họ hàng với nhau.
Bên cạnh đó, một số gia đình nơi đây có phong tục dù là con trai đi lấy vợ hay con gái đi lấy chồng thì gia đình đều phải chia tài sản cho họ mang đi. Chính vì phong tục này, người dân không muốn chia tài sản cho người ngoài nên kết hôn với những người anh em, họ hàng để... giữ của.
Bản Liền một phần nghèo đói vì những quan niệm mê muội
Bên cạnh yếu tố những quan niệm lạc hậu của người dân, thì dường như việc những người thực thi pháp luật ở địa phương chưa gương mẫu cũng là những điểm khiến tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở Bản Liền vẫn còn tồn tại. Mới đây, hai anh em ruột của một gia đình cùng lấy 2 chị em ruột và 2 cặp đôi này là anh em con dì - con bác. Điều đáng nói, cha của các đối tượng vi phạm pháp luật hôn nhân này lại chính là một số cán bộ tại địa phương.
Ông Ma Ngọc Dung, Trưởng phòng tư pháp huyện Bắc Hà cho biết: "Cho đến nay, phòng tư pháp huyện chỉ mới nắm chính xác được 3 vụ việc do thông tin từ xã báo lên và mới lập biên bản một vụ. Nhưng trên thực tế, số lượng các vụ kết hôn cận huyết thống "chui" thì có rất nhiều".
Lý giải cho vấn nạn hôn nhân cận huyết thống, theo ông Dung: "Do đường xá đi lại khó khăn, hơn nữa Phòng Tư pháp huyện chỉ có 4 cán bộ, nên việc phát hiện và can thiệp sớm những vụ việc kết hôn cận huyết thống rất khó khăn. Hình thức xử phạt với các trường hợp này như chưa đủ sức răn đe vì theo quy định chỉ xử phạt hành chính từ 200 - 500 nghìn nên nhiều trường hợp chấp nhận nộp phạt để được cưới nhau".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét