Tối trình diễn cuối cùng của IN:ACT có lẽ là đông nhất. Đâu đâu cũng thấy người với người. Từ trên ban-công nhìn xuống đã thấy ca sĩ Linh Dung đứng chờ buổi diễn.
Vừa bước vào cửa Nhà Sàn, đập thẳng vào mắt người xem là dòng chữ chạy bằng đèn nê–ông trên nền hồng rất gợi - Gội Đầu - nhìn rất giống các tiệm gội đầu đèn mờ thư giãn.
Trình diễn Gội Đầu của Bill Nguyễn sẽ diễn ra trong suốt buổi tối, khán giả có thể tùy thích ra chỗ anh gội đầu bất cứ lúc nào.
Bill nói đại ý, việc làm đẹp cho nhau, giúp nhau thư giãn trong thiên nhiên đầy những thí dụ: bọn khỉ bắt chấy cho nhau, bọn ngựa thì đứng xoay mông vào nhau, phất đuôi đuổi ruồi hộ nhau. Con người thì sao? Trong tác phẩm này, anh muốn làm đẹp cho mọi người, và trong khi thực hiện hành động đó (gội đầu), một tình bạn có thể đã nảy sinh…
7h30 là màn trình diễn đầu tiên của Lê Huy Hoàng. Trên tầng hai của Nhà Sàn, khán giả đứng đông kín quanh nhà, để chừa lại một ô chính giữa cho nghệ sĩ. Lê Huy Hoàng cởi giày, thắt lưng – một chiếc thắt lưng của bộ đội!
Anh dùng chính chiếc thắt lưng ấy làm thước kẻ, đặt lên sàn, lấy một chiếc bút dạ đỏ để kẻ một hình vuông to ngay chính giữa sàn.
Sau đó, anh quay về điểm đặt bút vẽ đầu tiên, cố tô lại theo đường vừa kẻ, nhưng không có thắt lưng bộ đội chỉ đường, bút lại cầm bằng tay trái, nên nét bút cứ chệch đi.
Và thế là cứ tô được một đoạn ngắn, anh lại giận dữ dùng chiếc thắt lưng đã gập đôi quất thật mạnh vào mu bàn tay hoặc cổ tay. Hành động rất dứt khoát và quyết liệt như trừng phạt bàn tay đi sai lối khiến người xem phải giật mình lo “nó” – cái bàn tay không hoàn thành nhiệm vụ ấy.
Bản thân anh như cũng mệt mỏi và bất lực…
Công việc tô lại hình vuông hoàn thành cũng là lúc performance kết thúc. Lê Huy Hoàng là một người từng ở trong quân ngũ. Anh thực hiện performance này trong một ý thức kỷ luật cao độ, với một cảm giác như một người lính hoàn thành cho được nghĩa vụ của mình.
Trong không gian chính của tầng một, Vũ Hồng Ninh cùng một vị khách mời Trung Quốc bắt đầu màn trình diễn. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đứng một góc với camera, chăm chú quay.
Vị khách Trung Quốc ngồi trên chiếc ghế, Ninh lấy ra một quả bóng bay trông có vẻ khá dày dặn, màu đỏ sậm, nhét dưới gầm ghế của ông, và thổi.
Hồng Ninh cứ thế thổi cho quả bóng to dần lên…
Bóng càng lúc càng căng, khán giả hồi hộp đợi bóng nổ.
Bóng nổ, ai nấy đều giật mình nhưng cười vui vẻ. Quả thực, kinh khủng nhất của đời người là phải hồi hộp chờ đợi cái điều xấu mình biết sẽ xảy ra. Nó đã xảy ra là đã hết “xấu”.
Hồng Ninh và vị khách Trung Quốc sau đó ôm nhau một cái ôm cảm ơn, chia sẻ. Chợt nghĩ cảm thức chính trị của nghệ sĩ ta cũng kỳ lạ thật. Ngày ngày lên mạng ôi chao là chống Tàu, nhưng đến màn trình diễn này thì lại chịu khó chui dưới gầm một ông Trung Quốc mà thổi bong bóng!
Nhưng Vũ Hồng Ninh lý giải màn trình diễn này ra sao? Anh bảo nó nói về khoảng trống. “Đôi khi trong cuộc sống ta vô tâm nghĩ rằng khoảng trống không quan trọng, nhưng thật ra nó lại rất quan trọng. Nhà không có khoảng trống thì không thể ở, nhạc không có khoảng trống thì không nghe được, tranh không có khoảng trống thì chưa thật hoàn thiện. Với khoảng trống trong tâm hồn, ta không thể lí giải hay xử lý nó, mà phải biết sống cùng nó.” Không thể kết nối được với tác phẩm. Thực thế.
Cuối cùng là màn trình diễn của Lại Thị Diệu Hà. Cô ăn mặc khắc khổ, trải một lớp lông vũ xanh biếc ra sàn. Bên cạnh có một lồng chim nhốt một con chim con, một đĩa sâu lòng đựng dung dịch (hồ dán?)
Diệu Hà cởi bỏ dần, đầu tiên là áo…
… kế tới là quần dài…
Rồi lần lượt rút ra những miếng độn mông.
…cứ rút một miếng lại vỗ vỗ vào mông mình, miệng lẩm bẩm nhưng đủ nghe, “Tao đã dùng mày rất lâu rồi, vì mày mà tao bị ghẻ mông, ai cũng nghĩ tao mông cong, sao người gầy thế cơ chứ….”
Rồi cô bắt đầu cởi thêm…
…cho đến khi không còn gì trên người, hoàn toàn (khán giả sững sờ), cô lấy cái đĩa…
…dùng dung dịch trong đĩa xoa lên người.
Rồi nằm lên đống lông vũ…
… cô nhờ mọi người phủ lông lên toàn thân, thật nhẹ nhàng…
Cho đến khi kín hết, chừa lại mỗi đầu.
Đứng dậy…cô đi lại…
…bằng động tác một con chim chuẩn bị tung cánh bay.
Đi ra phía lồng chim, cô tóm con chim bé nhỏ…
… nhét vào miệng khoảng 5, 6 giây…
…rồi mở miệng cho con chim bay ra. Nó bay nhanh quá nên chụp ảnh không kịp!
Diệu Hà nói, trình diễn xong, cô có cảm giác như vừa hoàn thành một sứ mạng quan trọng, cảm thấy trong lòng vô cùng thoải mái. Cô dự định khi kết thúc sẽ cười một nụ cười thật thà, nhưng thế rồi lại quên mất. Không sao, người ta vẫn thấy nụ cười tinh nghịch của cô trong từng giây trôi qua của màn trình diễn.
Phần trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam hôm nay ấn tượng nhất vẫn là tiết mục của Lại Thị Diệu Hà. Không phải vì “bạo”, vì “điên”, mà cao hơn thế, là vì “đẹp”.
Ý thức phải mang lại một cái gì “đẹp” rất rõ ràng trong phần trình diễn của Diệu Hà. Tuy cô nói tác phẩm này không có gì đâu, nhẹ nhàng thôi, nhưng ý nghĩa “tự do” của nó rất rõ, trong động tác của cô, nhất là với động tác cuối cùng: há miệng cho con chim nhỏ thoát thân.
Không nặng về ý nghĩa, nhưng khi một tác phẩm đẹp, tự phản xạ người xem sẽ phải tìm ý nghĩa cho điều mình ái mộ. Làm tốt phần “thẩm mỹ”, quả bóng “ý nghĩa” sẽ tự khắc chuyển sang chân người xem ấy mà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét